Khi tâm sự mỏng rằng mình rất thích nghề pha chế đồ uống, mẹ mình đã phản đối kịch liệt: “Cái nghề gì mà không có tương lai!”. Vậy là mình đành phải bỏ dở giấc mơ trong 2 năm để làm một nhân viên kế toán như mẹ mong muốn. Thực ra nói bỏ dở cũng không đúng, vì mình vẫn âm thầm đi học thêm về pha chế sau giờ làm (hú hồn là không bị phát hiện). Và đến hôm nay, sau 5 năm gắn bó với nghề, mình có thể tự hào nói với mẹ rằng nghề pha chế đồ uống rất có tương lai nếu mình hết lòng với nó.
Pha chế đồ uống là làm gì?
Trước đây khi nhắc đến pha chế, mình chỉ nghĩ đến Bartender, tuy nhiên đây chỉ là một mảng của pha chế, mảng còn lại là Barista. Bartender là người chuyên pha chế đồ uống có cồn như cocktail, mocktail… và làm việc tại các quầy bar của khách sạn, nhà hàng, club… Trong khi đó Barista có vẻ ít được nhắc đến nhưng chúng ta lại thường xuyên nhìn thấy họ hơn cả Bartender. Họ là những người pha chế cà phê, ca cao và thức uống không cồn nói chung, làm việc tại các quán cà phê. Ly latte thơm ngon và đẹp mắt mà bạn đang cầm trên tay chính là tác phẩm của họ đấy!
Những tháng ngày thường xuyên nhẵn túi
“Có câu nói rằng nghề pha chế đồ uống là một nghệ thuật còn người pha chế là một nghệ sĩ.”
Quả đúng như vậy, những thức uống đẹp lung linh cùng hương vị thơm ngon khiến người ta muốn uống nhưng lại không nỡ vì sợ phá vỡ một tác phẩm chứa đầy sự tinh tế và lãng mạn. Cũng chính vì điều này mà mình đã “trót yêu” nghề pha chế đồ uống khi nào không hay.
Trong khoảng 2 năm vừa học vừa làm, mình dành dụm toàn bộ số tiền có được để tham gia các khóa đào tạo pha chế từ cơ bản đến đặc biệt. Cùng là các thành phần đó nhưng khi pha chế với liều lượng khác nhau thì đã thành một thứ gì đó hoàn toàn khác, nhiều khi không thể uống được. Thế nên phải học thuộc lòng tất cả công thức, chính xác tới từng gam, từng giọt là chuyện đương nhiên. Giống như mọi ngành nghề khác, học lý thuyết rồi thì cũng phải đến lúc thực hành. Thực hành không chỉ giúp mình nhớ công thức, có cảm giác quen tay để tự tin hơn mà còn biết được cả những thứ không ai dạy nhưng rất quan trọng như làm sạch hoặc lắp ráp các bộ phận của máy pha cà phê.
Vì thời gian ở lớp có hạn nên để có thể thực hành thường xuyên, mình phải tự chuẩn bị các dụng cụ pha chế cần thiết. Rồi cứ thấy món nào hay hay từ chiếc bình lắc đến chày dầm pha chế hay dụng cụ xúc đá, miếng lọc cà phê lạ mắt là mình đều tha về, đầy đủ đến mức có thể mở một quán cà phê nho nhỏ. Nhưng mình có dám bày ra đâu, xài xong rồi cất dọn cho vào tủ khóa lại vì sợ mẹ phát hiện. Mua sắm nhiều, tuy không đến nỗi “nghiện” nhưng cũng đủ khiến mình “viêm màng túi” thường xuyên và phải ăn bám ba mẹ trong thời gian dài.
Phát huy tối đa sự tự tỉ mỉ và tinh tế
Đầu tư như thế và cũng thành thạo trong việc pha chế nhưng khi bước vào môi trường làm việc, mình chỉ có thể bắt đầu ở vị trí phụ bar, sau 1 năm mới chính thức trở thành nhân viên pha chế. Lúc này mình mới thấy được sự tỉ mỉ và tinh tế quan trọng đến mức nào, dù là làm Barista hay Bartender.
Thứ nhất là tinh tế trong pha chế. Ví dụ, Barista cần xay cà phê ở mức độ nào, nước nóng ra sao, đánh bọt sữa trong bao lâu để tạo ra một thức uống vừa đậm đà vừa tao nhã, với lớp kem xốp nhẹ, ngọt ngào nổi trên cà phê. Bởi vậy mới nói dù có thành phần ngon nhất và thiết bị tiên tiến nhất thì vẫn cần tới đôi bàn tay điêu luyện của người pha chế. Công thức có sẵn nhưng không phải ai cũng có thể tạo ra các thức uống khiến thực khách muốn gọi hàng ngày.
Không chỉ tinh tế với từng giọt thành phần mà còn phải nhạy cảm với các tình huống với khách hàng. Mình luôn cố gắng ghi nhớ thức uống mà một khách hàng thường xuyên order vì điều này sẽ khiến họ cảm thấy được trân trọng và quay lại quán nhiều lần nữa. Hoặc dù có vào giờ cao điểm hay đơn đặt hàng của khách khá phức tạp thì mình vẫn luôn đảm bảo pha chế đúng yêu cầu giống như lời mà người thầy khó tính của mình thường hay nói: Một nhân viên pha chế giỏi nên chú ý đến các chi tiết và không thực hiện nhiệm vụ của mình một cách nửa vời. Làm nghề pha chế đồ uống thì thái độ của bạn đối với khách hàng cũng cần đẹp như các tác phẩm của bạn vậy.
Sẽ có lúc lấp lánh, rực rỡ nhưng đôi khi cũng có vị đắng chát đọng lại nơi đầu lưỡi
Có lẽ nhiều người đã quen thuộc với hình tượng Bartender “cool ngầu” đang chú tâm vào nguyên liệu, điêu luyện trong từng thao tác, tỉ mỉ trang trí những ly nước với màu sắc đẹp long lanh và nhận được những tràng pháo tay tán thưởng nhưng ít ai biết rằng đằng sau đó chứa đầy những thử thách về tinh thần và thể chất.
Bạn biết đấy, khi làm việc với khách hàng thì có đến 1001 tình huống có thể xảy ra. Mình nhớ có lần khách hàng gọi một ly latte nóng nhưng khi đem ra thì khách nói rằng đã đặt một ly latte đá xay. Không thể tranh cãi với khách hàng, mình chỉ biết cười duyên, xin lỗi và làm lại một ly khác dù lòng đau như cắt vì biết chắc rằng sẽ bị trừ lương. Rút kinh nghiệm lần đó, mình luôn đọc lại order một lần nữa trước khi pha chế.
Không những “khổ” vì khách hàng quên món đã đặt mình còn nhiều phen “ngất ngây con gà tây” vì các món uống mà khách tự đặt tên. Có một vị khách gọi món caramel mocchiato đá. Mới nghe thì mình nghĩ rằng đó là lỗi phát âm và khi mình lặp lại món đó với tên caramel macchiato đá thì khách nói mình đã sai rồi và nhắc lại món đã đặt. Thú thật là mình chưa nghe món mocchiato bao giờ và bắt đầu dùng hình ảnh, nhẹ nhàng giải thích thành phần, hương vị của món macchiato ra sao. May quá, cuối cùng khách cũng nhận ra đó là món macchiato chứ không phải mocchiato như khách tự đặt tên.
Thử thách còn là lúc mình phải đứng suốt 7-8 giờ liền. Nếu trước đây có ai nói nghề pha chế đồ uống là công việc khắc nghiệt và đòi hỏi thể chất cao nhất, mình chỉ cười cho qua thì giờ đây mình mới thấm. Không thấm làm sao được khi các cơn đau cổ do liên tục nhìn xuống trong khi pha đồ uống, chân bị đau do đứng quá lâu cứ dần xuất hiện đến mức mình phải dùng túi giữ nhiệt trong nhiều ngày.
Bất chấp những điều không biết tỏ cùng ai như vậy, mình cũng như hầu hết người làm pha chế đều có chung suy nghĩ rằng công việc vẫn mang lại niềm vui và niềm tự hào.
Đường thăng tiến thênh thang
Đa phần người ngoài đều cho rằng theo nghề pha chế đồ uống thì chỉ dừng lại ở mức nhân viên là cùng. Cũng vì lí do này mà mẹ mình cực lực phản đối. Thế nhưng vào nghề rồi mới biết nếu có khả năng bạn có thể từng bước trở thành Bar trưởng, Giám sát bộ phận pha chế, Quản lý bộ phận pha chế, Quản lý bộ phận ẩm thực đến Giám đốc bộ phận dịch vụ ẩm thực với mức lương 30 - 45 triệu/tháng, không thua kém bất cứ ngành nghề nào. Tất nhiên để đạt được vị trí này, chắc chắn phải mất nhiều năm làm việc chăm chỉ và cống hiến.
Ở vị trí là Bar trưởng và trải qua nhiều sóng gió tưởng như bỏ cuộc thì mình vẫn cho rằng pha chế đồ uống là một nghề thú vị, thích hợp với những tâm hồn thích ăn uống, yêu cái đẹp, thích sáng tạo, không ngừng tìm tòi học hỏi và trên hết là son sắt một lòng với nghề.
Với những gì chia sẻ, mình mong rằng các bạn đang có ý định đến với nghề pha chế sẽ có thêm thông tin cần thiết cũng như động lực để học tập và trau dồi nghề nghiệp, hiện thực hóa giấc mơ của mình. Và trước hết là xóa bỏ hoàn toàn quan niệm rằng “nghề pha chế đồ uống là một nghề không có tương lai”. Thực ra, “có tương lai” sẽ phụ thuộc nhiều vào việc bạn có đủ đam mê, nỗ lực và tận tâm với con đường mình lựa chọn hay không.